‘Nền kinh tế có thể cần thêm một gói kích cầu’

Bài viết cập nhật lúc: 06:55 ngày 04/09/2009

Nhiều chuyên gia bày tỏ sự đồng tình về việc thực hiện thêm biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế lấy đà hồi phục, sau khi gói hỗ trợ lãi suất kết thúc vào cuối năm nay.

Tại hội thảo về chính sách tiền tệ thời kỳ hậu suy thoái kinh tế mới đây, TS. Trần Du Lịch, nhận định, phần thời gian còn lại của năm nay và năm 2010 có thể sẽ là thời kỳ phục hồi, nên các chính sách kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng để tạo tiền đề cho giai đoạn tăng tốc tiếp theo.

Theo ông, chính sách tiền tệ có ý nghĩa quyết định đối với sự vận động của dòng vốn đầu tư và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thực tế, chính sách tiền tệ đóng vai trò chủ yếu, không chỉ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn vốn lưu động, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện chiến lược dài hạn, thông qua đầu tư phát triển sản phẩm mới.

Còn PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vietinbank nhận xét, hiện chênh lệch lãi suất bình quân đầu vào và đầu ra của nhiều ngân hàng rất thấp – dưới 2%, trong khi lãi suất đầu vào có xu hướng tăng lên trên 9% mỗi năm. Điều này cho thấy nền kinh tế vẫn đang có khả năng hấp thụ vốn. Bà Mùi đề xuất khi kết thúc gói hỗ trợ 4%, có thể tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ với quy mô nhỏ hơn, đối tượng hỗ trợ hẹp hơn, với mức hỗ trợ thấp, chẳng hạn 1-2%.

TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cũng cho rằng, việc thực hiện các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất còn ngắn, nên cần tập trung vào những đơn vị có đủ điều kiện, nhưng chưa được tiếp cận hoặc chưa đáp ứng yêu cầu cấp thiết.

Mặt khác, những khoản tín dụng với thời hạn 24 tháng và chương trình kích thích sản xuất vào khu vực nông nghiệp – nông thôn, cũng như hỗ trợ phát triển thị trường nội địa cần được rà soát và giải quyết theo tiến độ thực hiện. Ông Kiêm coi đây là cách để chuẩn bị và thích nghi dần, để khi nền kinh tế ổn định, có thể thích ứng với điều kiện mới và những thay đổi về thông lệ quốc tế.

Mới đây, đại diện Chính phủ cũng đã chính thức thông báo về khả năng có “bước đệm” để hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp khi gói kích cầu thông qua bù lãi suất kết thúc vào cuối năm nay. Khả năng thực hiện gói kích cầu thứ hai hiện vẫn được cân nhắc.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu tại cuộc họp này cho rằng, để kiểm soát lạm phát ở mức thấp và bền vững trong dài hạn, cần duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn sản lượng tiềm năng và thực hiện tốt chính sách tài khoá “mở rộng” ở mức hợp lý. Ông cũng nhận định, trong năm 2009-2010, đà tăng trưởng kinh tế được duy trì, nhưng lạm phát có sức ép tăng.

Ngân hàng Nhà nước chủ trương điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng, nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán khoảng 30%, và giảm dần trong những năm tiếp theo. Cùng với đó là kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý.

Đối với các doanh nghiệp, việc hỗ trợ vốn không chỉ cần thiết, mà cũng cần được thực hiện kịp thời. Một số doanh nghiệp cho hay, việc chính sách hỗ trợ tiếp theo có được thực hiện hay không sẽ có tác động lớn đến kế hoạch kinh doanh của họ trong năm tới. Bởi với mỗi khả năng được hỗ trợ hay không, doanh nghiệp sẽ có phương án khác nhau cho hoạt động kinh doanh.

Ông Phạm Ngọc Hưng, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, ví sự hồi phục của doanh nghiệp như người đau mới khỏe lại, nên cần được hỗ trợ khẩn trương. Theo ông, doanh nghiệp vừa và nhỏ có bất lợi khi tiếp cận vốn hỗ trợ lãi suất. Gói kích cầu được áp dụng từ tháng 2, nhưng đến khi doanh nghiệp biết thông tin, tìm cách tiếp cận, thực hiện thủ tục, rồi đợi ngân hàng thẩm định 20 ngày, thì thời gian còn lại để hưởng hỗ trợ không còn nhiều. Đại diện của cộng đồng doanh nghiệp này cũng đề xuất các ngân hàng có chính sách ưu đãi cho đầu tư trung và dài hạn.

Trong một báo cáo được công bố hôm 3/9, Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế – OECD nhận định, nguy cơ lạm phát quay trở lại hiện không còn quá lớn. Thậm chí, thiểu phát là vấn đề đáng lưu tâm không chỉ đối với Nhật Bản. Vì thế, OECD gợi ý sớm nhất vào giữa 2010 mới tiến hành các bước thắt chặt trở lại.

Các chính phủ cần duy trì những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh thất nghiệp tiếp tục leo thang và thị trường nhà đất vẫn còn yếu ớt. Chính sách lãi suất thấp ở mức phi lý như hiện nay vẫn cần được duy trì thêm một thời gian nữa, OECD khuyến cáo.

Ngọc Châu


Bình luận về bài viết này